Chùa Việt Nam

Thư viện số về văn hóa Phật giáo

Chùa Cổ Lễ

Vị trí: Thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định

Chùa ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Nam Ninh, tỉnh Nam Định.Tương truyền, chùa do thiền sư Nguyễn Minh Không thời Lý sáng lập. Ông là người chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông (1128-1138), được phong làm quốc sư.

Ngôi chùa hiện nay là do hòa thượng Phạm Quang Tuyên cho xây dựng vào năm 1920. Chính Phạm Quang Tuyên là người thiết kế ngôi chùa.

Có thể nói chùa Cổ Lễ là một kiến trúc Phật giáo rất độc đáo ở Việt Nam. Ở đây, chúng ta gặp một sự hòa nhập các yếu tố kiến trúc cổ truyền Việt Nam với các yếu tố gô-tích châu Âu. Đó là một ngôi chùa thờ Phật nhưng lại có dáng dấp một thánh đường Thiên Chúa giáo. Trước chùa là ngôi tháp 12 tầng, cao 32m, có 8 mặt, dựng năm 1926-1927. Đế tháp đặt trên lưng một con rùa lớn, đầu rùa quay vào phía chùa.Rùa nằm giữa một hồ nước hình vuông, bốn góc hồ là bốn hòn núi giả khá lớn, có đắp bốn con voi to bằng thật. Trong lòng tháp có cầu thang xoắn ốc lên đến đỉnh. Từ ngôi tháp, đi qua một chiếc cầu cong là tới một tòa nhà gọi là "Phật giáo hội quán", có mái vòm cao với các đầu đao cong vút. Bên trái của hội quán là đền thờ Trần Hưng Đạo với hai tiến sĩ họ Đào người làng Cổ Lễ. Ở đây có tấm bia năm 1856, văn bia do tiến sĩ Ngô Thế Vinh soạn, nói về sự nghiệp hai ông họ Đào. Gần đó là đền thờ Bà Chúa Liễu Hạnh.

Từ hội quán, qua hai chiếc cầu có mái che, chúng ta đến chùa chính. Chùa có mái vòm gô-tích cao. Có tượng Phật sơn son thếp vàng cao đến 4m, đặt trên tầng cao. Phải theo những cầu thang nhiều bậc ở hai bên mới lên đến chỗ đặt các tượng Phật.Ở Việt Nam, chưa có một Phật điện nào giống như vậy. Sau lưng các tượng Phật là bàn thờ với tượng Nguyễn Minh Không.

Từ điện Phật, có các hành lang quanh ra phía sau, nối với các nhá khách và nhà tổ. Vách hành lang gắn đầy những tấm bia hậu. Ở nhà tổ, có tượng hòa thượng Phạm Quang Tuyên.

Giữa sân chùa, có một quả chuông đồng lớn, đặt trên gò đất vuông có tường hoa bao quanh. Chuông như một biểu tượng trang trí chứ không phải dùng để đánh. Trong chùa có một chiếc trống bằng đồng, một quả chuông đúc năm 1799, và những chiếc thuyền dùng để bơi thi trong hội chùa tổ chức vào tháng 9 Âm lịch.

 

 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM – BAN VĂN HÓA TRUNG ƯƠNG Đạo Pháp – Dân Tộc – Chủ Nghĩa Xã Hội Văn Phòng I Ban Văn Hóa Trung ương GHPCVN – Phòng 223, 73 Quán Sứ, Hà Nội Email: info@vanhoaphatgiao.vn ĐT: 043 941 6599  -  Fax: 043 941 6599