Chùa Việt Nam

Thư viện số về văn hóa Phật giáo
Chùa Đọ
Vị trí: Làng Đọ, Thôn Bắc xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình
Ngôi Chùa Đọ, hiện nay chưa xác minh chuẩn xác ngày tháng xây dựng (chưa có tư liệu). Hiện tại di tích chỉ còn giữ lại được các bia trùng tu vào các thời như: Bia Chính Hòa năm thứ 3 (1683), bia Vĩnh Thịnh năm thứ 8, vv.... cộng với kiến trúc hiện tại của chùa mang phong cách xưa của thời Lê - thời Nguyễn. Khai thác nội dung bia Ký thì có thể đoán định được niên đại là đã có từ lâu, có thể vào thời Lí - Trần song với quy mô ngày đó nhỏ.
Ngôi chùa hiện tại là được tu tạo, kiến trúc mở rộng thêm vào năm 1682 và hoàn thành vào năm 1685 (theo bia tôn tạo bia truyền hậu đại – Lạc khoản đề: lê miếu Chính Hòa tam niên tại chùa) ( năm Chính Hòa thứ 3 đời vua Vĩnh Thịnh). Từ đó đến nay chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, mỗi lần đều được tạc bia ghi lại quá trình như các thời Vĩnh Thịnh, Minh Mạng, Khải Định sau này.
Nội dung các bài Minh trên – Quả chuông Tây Sơn (1797) và trên Khánh Đồng đều hết sức ca ngợi cảnh đẹp của ngôi chùa”Kim Quý Tự” thời đó. Đặc biệt là bài Minh của tiến Sĩ Nguyệt Đính Cư sĩ lưu Tốc Hiến quê ở Hải Dương, Ông là tiến sĩ thời Lê, thi đỗ vào năm Ất mùi làm Chức Thỉnh hình Hiến Sát Sứ- Tư hiến Sát Sứ Hàn Lâm Viện Thị Thư soạn năm 1797 được khắc trên quả chuông đúc năm đó đã cho chúng ta biết cảnh đẹp của ngôi chùa này thời đó đã có tiếng ở vùng Sơn nam này.
Ngoài nội dung trên bia đá, chuông Đồng, bia Gỗ- các bài văn khắc trên các hiện vật gỗ, khánh đồng chùa còn lưu giữ hàng trăm mảnh ván in kinh phật. Những tư liệu này cho biết thời Lê, chùa”Kim Quý Tự” là 1 trung tâm phật giáo của cả một khu vực lớn đồng bằng Bắc Bộ. Tên tuổi các thiện Nam tín Nữ, của những vị chức Sắc trong làng và các nhà sư đứng ra xây dựng chùa vào các thời Lê- Nguyễn, quê quán bao gồm cả các tỉnh Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định đã khẳng định nhận định trên.
Chùa quay hướng Tây, an tọa trên một khu đất cao rộng thoáng mát. Chùa kết cấu bởi các công trình độc đáo. Viễn cảnh phía trước là Tam quan hoành tráng mới được tu tạo vào năm 2011. Đối xứng qua tam quan là hệ thống lâu tự (những người cúng ruộng, tiến cho chùa) tiếp đến là tòa điện ông Hộ gồm 5 gian và ông Muông ban thờ Phật. Hệ thống các dãy hành lang phía bắc và phía nam nối suốt tòa ông Hộ xuống khu nhà Tổ. Chùa có sân phía sau rộng và hệ thống các tháp - nơi dựng hài cốt các vị sư đã tu ở đây. Như vậy nhìn toàn cảnh chùa có kết cấu nội công ngoại quốc quy mô to lớn, rộng rãi xứng đáng từ lâu đã là một thắng cảnh của đất Thái Bình.
* Tam quan
Tam quan được kiến trúc theo lối trồng diêm 3 tầng cao 7m. Tam quan mới được xây lại năm 1988 trên nền đất cũ – phần mái đại đã bỏ trang trí hoa văn Triện Kỉ cài Lá Lật và Long Chầu Phượng mớm cách điệu. Phía tay trái Tam quan có lầu bà Cô- bà này đã có công đóng góp nhiều ruộng và tiền cho chùa làm của phật tự. Lầu nhỏ nhưng được xây dựng đẹp.
Tam quan mới được xây dựng lại năm 2011 về phía tây kiểu dáng cổ nhưng được làm 2 tầng kiên cố hoành tráng.
* Tòa điện Ông Hộ
Có 7 gian phần mái theo kiểu mái cong, đỉnh nóc đấu bờ cong đáp đấu vuông. Nội thất theo kiểu ”Lòng thuyền tứ trụ” các vì kèo kết cấu thống nhất ”Thượng chúc báng, hạ kẻ" Các trụ đấu hình lá đề niên kiến trúc trông khỏe và kiên cố. Tòa điện này có 2 ông Hộ pháp”Thiện -Ác" cao 3m chất liệu đất thiếp vàng son. 3 gian trung tâm hệ thống tượng phật. Pho Thích Ca sơ sinh bằng đồng, dáng tượng thời Lê. Cả 5 gian trung tâm được trang trí hệ thống hoành phi cuốn thư đẹp, có 1 nhang án thời Lê (Chính Hòa) trông rất lộng lẫy. Vì kèo thể hiện nội dung tứ linh.
Hệ thống tượng pháp được bài trí theo phong cách chùa Việt Nam, Nghệ thuật tạc tượng đẹp mang phong cách thời Lê được đánh giá đẹp nhất của tỉnh Thái Bình. Ngoài hệ thống tượng phật xung quanh chùa có đầy đủ hệ thống thập bát la hán và thập điện Diêm Vương và chùa còn lưu giũ được hàng trăm ván in kinh phật.
* Hệ thống 2 dãy hành lang nam - bắc
Mỗi dãy gồm 9 gian nối từ tòa ông hộ ra sau dãy nhà Tổ cũ, tại 2 dãy hành lang này đặt 4 bia ký thờ các vị có công đóng góp việc tu sủa xây dựng chùa. gian cuối của mỗi dãy 1 bên thờ Trần Hưng Đạo Đại Vương, 1 bên thờ Đức Ông.
* Hệ thống nhà tổ và các bảo tháp
Nhà Tổ cũ: Tòa nhà gồm 7 gian song song với tòa điện Ông Hộ đây là công trình khép kín tạo tổng thể chùa kín đáo, trang nghiêm. Nhà tổ được kiến trúc theo kiểu ”Hồi văn cánh bản”, các vì kèo theo kiểu ”Thượng quang đàn, hạ kẻ” Tại nhà thờ tổ còn lưu giữ 3 khám gian lớn, kiến trúc trạm trổ công phu, phong cách thời Nguyễn. Các khám này đặt tượng và bài vị các vị sư tổ. Qua cửa hậu là dẫn đến vườn sau chùa nơi còn 7 cái tháp lớn gìn giữ các hài cốt các vị sư đã trụ trì tại đây.
Nhà tổ mới nằm phía sau của chùa ngôi nhà được kiến trúc theo kiểu cổ nhưng được xây dựng kiên cố vừa cao vừa rộng rãi.
- Ngoài ra chùa Đọ còn có giá trị về lịch sử cách mạng, trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, để tạo điều kiện cho kháng chiến thắng lợi chùa Đọ còn là nơi hoạt động cách mạng, tại đây Tỉnh ủy đã lãnh đạo Đảng đoàn mặt trận tổ chức hội nghị thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thành mặt trận Liên Việt tỉnh vào tháng 3 năm 1951.