Chùa Việt Nam

Thư viện số về văn hóa Phật giáo
Chùa Hang
Vị trí: ở xã An Hải, đảo Lý Sơn, Tỉnh Quảng Ngãi
Chùa Hang tên chữ là "Thiên Khổng Thạch tự" (Chùa đá trời sinh) ở xã An Hải, đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đảo Lý Sơn còn có tên là cù lao Ré, nằm về phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 15 hải lý (khoảng 24km).
Lý Sơn có nhiều di tích tín ngưỡng, trong đó, có "Âm Linh tự” là nơi tổ chức lễ khao, lễ thề, biểu dương, tôn thờ những người lính thời Nguyễn trong "Hải đội Hoàng Sa", đi khai thác và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Nhưng tiêu biểu cho kiến trúc Phật giáo về việc thờ Phật ở Lý Sơn, thời đó là: chùa Hang.
Chùa Hang nằm trong lòng núi Thới Lới, hang động lớn nhất trong hệthống hang động ở Lý Sơn. Vách núi dựng đứng cao gần 20 m, lòng hang sâu, rộng, bề dài 24 m, trần hang cao 3,2 m, diện tích 480 m2.Sân chùa trước cửa hang nhìn ra biển. Giữa sân có hồ sen với tượng Phật và những cây bàng cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Hang có từ nghìn xưa, chùa được tạo thành từ thế kỷ XVI dưới triều vua Lê Kính Tông bởi thủy tổ họ Trần ở trên đảo là ông Trần Công Bạch cùng các bậc tiên hiền làng An Hải.
Tượng pháp và Phật Điện chùa Hang Lý Sơn, được thể hiện thành nhưng bệ đá, xưa là nơi thực hành tín ngưỡng của người và văn hóa Chăm, nay thành ban thờ Phật Di Đà, Như Lai, Di Lặc (ở chính giữa hang), sư tổ Đạt Ma (ở bên trái). 12 Diêm Vương, 3 thủy tổ họ Trần kế tiếp phụng sự chùa, và 7 vị tiên hiền làng An Hải.
Lễ hội chùa hằng năm mở vào các ngày Tết, Phật Đản, giỗ các vị tiên hiền.
Chùa Hang đã được Bộ Văn hóa- Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia (năm 1994).