Chùa Việt Nam

Thư viện số về văn hóa Phật giáo

Chùa Hoành Lộ

Vị trí:  xóm 4 xã Hoành Sơn, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định

Chùa Hoành Lộ tọa lạc trên phần đất của làng Hoành Lộ xã Hoành Sơn huyện Giao Thủy. Căn cứ vào các nguồn tư liệu đặc biệt là tấm bia niên hiệu Thành Thái năm thứ 4 (1892) hiện còn tại chùa thì lịch sử vùng đất Hoành Lộ đã được hình thành vào thời Lê Thế Tông niên hiệu Quang Hưng (1578-1599).

Chùa tọa lạc trên một khu đất thoáng đãng.Qua tam quan là vào tới bái đường chùa Hoành Lộ (Vạn Phúc tự), ngôi chùa được làm theo kiểu chữ "đinh", bao gồm bái đường 5 gian 2 trái và tam bảo 3 gian. Bộ vì kèo tòa bái đường được gia công theo kiểu giá chiêng, mê cốn trốn cột. Tại mỗi bộ vì có hai cột cái cao trên 6 mét được tạo dáng bút đòng với đường kính cột 30cm. Hai cột cái được liên kết chặt chẽ với nhau bằng hệ thống câu đầu. Phía trên những câu đầu là những tấm ván mê dày, được tạo dáng giống hình tam giác cân, phía dưới có khoét lòng tạo nên sự thông thoáng. Ở gian phía ngoài tòa bái đường là nơi tiếp giáp với hệ thống cửa, những người thợ xây dựng chùa Hoành Lộ đã bớt đi một hệ thống cột quân, thay thế vào đó là những chiếc cột trốn, chúng được kê lên hệ thống đấu cánh sen kép với nhiều lớp cánh khá cầu kỳ. Sau đó những chiếc đấu này lại dồn lực xuống các thanh xà nách nối giữa cột cái với cột hiên. Cách thiết kế bộ vì kèo như trên đã làm cho không gian nơi thờ Phật thêm rộng rãi.

Hệ thống bẩy tiền của chùa Hoành Lộ còn được đục chạm rất phong phú các đề tài trang trí như tứ linh, tứ quý với đường nét chắc khỏe, mạch lạc, khiến cho tòa bái đường không những chắc chắn về kỹ thuật mà còn rất đẹp ở nghệ thuật điêu khắc. Nối tiếp với tòa bái đường là ba gian tam bảo. Tam bảo được liên kết với bái đường bằng cách thức giao mái, tại đây hệ thống cột chịu lực đã được xây bằng gạch với kích thước to rộng. Toàn bộ phần mái của tam bảo đều được lợp bằng ngói nam, phía trên giáp với mái được xây cuốn đắp gờ chỉ nổi và vẽ họa tiết cánh sen, vân ám khá công phu và đẹp mắt. Tại hệ thống cột này có treo các câu đối được làm theo kiểu “lòng máng” ôm khít lấy thân cột đã tạo lên sự trang nghiêm cho nơi thờ Phật. Xếp đặt vào chính giữa của hệ thống cột cái là lớp tượng Phật được chia làm 6 cấp, đã tạo lên được một sự phong phú về tượng pháp cho ngôi chùa.

Nằm về phía sau của chùa Hoành Lộ còn có hệ thống nhà thờ tổ, phủ mẫu. Công trình được xây dựng đối xứng với nhau qua một sân rộng lát gạch sạch sẽ tạo thành thế tay ngai bảo vệ sự an toàn, khép kín cho ngôi chùa. Các công trình trên đều được xây dựng bề thế khang trang với nhà tổ 5 gian, phủ mẫu 3 gian, tuy đều là các công trình mới nhưng những người thợ địa phương đều tuân thủ theo phong cách xây dựng truyền thống: xây cuốn, lợp ngói nam, đắp gờ chỉ, trang trí các đề tài “Lưỡng long chầu nguyệt”, “vân ám”, “phượng vũ” làm cho công trình thêm phần trang trọng nhưng vẫn mang đậm phong cách kiến trúc cổ truyền.

Ngày nay tại Di tích Đền chùa Hoành Lộ diễn ra rất nhiều ngày lễ như: Ngày lễ Vu Lan 15/7 (AL), ngày lễ Phật Đản 14/4 (AL) được tổ chức tại chùa và ngày 15 tháng 02 (âm lịch) là ngày giỗ của 11 ông tổ của các dòng họ đã có công khai hoang mở đất. Đây là lễ hội chính được tổ chức tại đền đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân trong vùng và ngày 15/2 hàng năm còn là ngày gặp gỡ, tụ hội của lớp lớp con cháu đang làm ăn sinh sống xa quê hương. 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM – BAN VĂN HÓA TRUNG ƯƠNG Đạo Pháp – Dân Tộc – Chủ Nghĩa Xã Hội Văn Phòng I Ban Văn Hóa Trung ương GHPCVN – Phòng 223, 73 Quán Sứ, Hà Nội Email: info@vanhoaphatgiao.vn ĐT: 043 941 6599  -  Fax: 043 941 6599