Chùa Việt Nam

Thư viện số về văn hóa Phật giáo
Chùa Hoè Nhai
Vị trí: số 19 phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội.
Chùa Hoè Nhai tên chữ là Hồng Phúc tự ở số 19 phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là ngôi chùa cổ, tương truyền có từ đời nhà Lý.Chùa được xây dựng theo kiểu chữ công. Phía trước là chính điện, phía sau là nhà tổ và tăng phòng, xung quanh là hành lang. Thượng điện còn giữ được nhiều bức chạm hình tứ linh và các cửa võng sơn son thếp vàng. Chùa có nhiều tượng Phật được bày làm 6 lớp. Tổng số tượng ở chùa Hòe Nhai gồm 68 pho, được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như đồng hun, gỗ quý, đất nện, được sơn son thếp vàng. Chùa có một quả chuông mang niên hiệu Long Đức 3 (1734). Sân chùa có hai ngọn tháp cao 3 tầng. Trong chùa còn có đến 28 tấm bia, cổ hơn cả là bia dựng năm Chính Hoà 24 (1703) ghi rõ vị trí chùa ở phường Hoè Nhai, tại Đông Bộ Đầu tức Bến Đông. Chính nhờ bia này mà giới sử học ngày nay xác định được vị trí trận chiến thắng ngày 29 tháng 1 năm 1258 của quân nhà Trần mà sử chép là chiến thắng Đông Bộ Đầu, đuổi quân Nguyên, giải phóng kinh thành có vị trí ở khu vực gần chùa Hoè Nhai ngày nay.
Trong chùa có nhiều tượng cổ, cổ nhất là tượng Cửu Long (Thích Ca sơ sinh). Đặc sắc nhất pho tượng kép hình một vị vua quỳ để tượng Phật trên lưng. Chùa có nhiều tượng Phật sơn son thiếp vàng mang phong cách của Thế kỷ 18. Đặc biệt gian bên phải của chính điện hiện có pho tượng Phật ngồi trên lưng một ông vua đang phủ phục – Duy nhất chỉ có ở chùa Hòe Nhai. Chùa có Quả chuông mang niên hiệu Tự Đức 17 (1864) một khánh đồng cao 1,5 m, đúc năm Giáp Dần niên hiệu Long Đức 3 (1734) đời Lê Thần Tông. Sân chùa có hai ngọn tháp cao 3 tầng, chùa mới dựng ngọn tháp Ấn Quang năm 1963 để kỷ niệm Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu phản đối chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo. Hiện chùa còn giữ được một đạo sắc phong do vua Lê Hiển Tông phong cho thiền sư Trần Văn Chức vào năm Cảnh Hưng Thứ 11 (1750).