Chùa Việt Nam

Thư viện số về văn hóa Phật giáo
Chùa Hương Nghiêm
Vị trí: xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Chùa Hương Nghiêm, do bộc xạ tướng công Lê Lương xây dựng, từ đời hậu Đường (923 – 937) tại núi Càn Ni, nay là làng Phủ Lý Nam, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Đến khi vua Lê Đại Hành tuần du ở Ngũ Huyện Giang, tức là triền sông Lương, sông Mã ở Thanh Hóa. Vua thấy chùa đổ nát, bèn sửa lại vào năm 1003.
Đến đời Lý năm 1031, vua Thái Tông đi chơi về phương nam; tới Ái Châu, có qua chùa (Lý Thái Tông đi đánh Hoan Châu về), phát tiền thuê thợ sửa nhiều chùa quán, ở các hương ấp. Chắc rằng vua tới thăm chùa năm ấy. “Trải mấy đời thờ cúng, gường cột đã đổ nát. Vua bèn sai sửa lại. Vua lại ban cho cháu ông bộc xạ, là Đạo Quang trưởng lão làm thiền chủ, cấp cho năm tên giúp việc, và sai trụ trì ở đó”.
Năm Ðinh-mão 1087, sư Ðạo Dung (Pháp Dung) được vua Nhân-tông triệu tới kinh, lập đạo-tràng trong cung. Năm Nhâm-dần 1122, sư trở về thăm quê cũ. "Nhân vật tuy đổi, non nước như xưa. Chùa đã đổ nát, nền móng vẫn còn." Sư liền sai thợ sửa lại. Tô tượng Phật ngồi trên Bàn-đà. Ðào hồ. Giữa hồ, xây bệ ; đặt tượng Phật trên. Chùa cao, cửa rộng, mái ngói. Mé tả có lầu chuông, mé hữu dựng bia đá ghi công. Xung quanh đều xây tường. Vườn trồng hoa cỏ. Và dựng bia năm 1124, đời Lý Nhân Tông. Niên hiệu ở bia là là Thiên Phù duệ vũ thứ 5, Giáp Thìn.
Sáu trăm năm sau, từ năm Ất Dậu (1705) đến năm Mậu Tuất (1718) có vị sư ở chùa, là Lê Văn Nghi (cháu đời thứ 17 kể từ Lê Lương, và đời thứ 10 từ đời Lê Văn Hưu), tiếp tục công việc của đời trước, xây tòa hậu điện, tô tượng, đúc quả chuông lớn, khắc lại bia cũ lâu năm nét chữ mòn...