Chùa Việt Nam

Thư viện số về văn hóa Phật giáo
Chùa Keo
Vị trí: xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình
Chùa Keo, có tên là Thần Quang tự, ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, là một ngôi chùa lớn ở Việt Nam.
Thần Quang tự vốn là tên một ngôi chùa được xây từ năm 1061 ở hương Giao Thủy, cạnh bờ sông Hồng. Ban đầu, chùa có tên là Nghiêm Quang tự, đến năm 1167, mới đổi thành Thần Quang tự. Vì Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa này cũng được gọi là chùa Keo.
Năm 1611, nước sông Hồng lên to, làm ngập cả làng nơi có chùa. Một bộ phận dân cư dời đi nơi khác, lập thành làng Hành Cung, sau đổi là Hành Thiện, xây dựng ngôi chùa Keo mới, thường được gọi là chùa Keo Dưới hay chùa Keo Hành Thiện (nay ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định). Một bộ phận dân cư dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình và cũng dựng lên một ngôi chùa, được gọi là chùa Keo Trên, tức ngôi chùa chúng ta đang nói tới ở đây.
Công việc xây dựng ngôi chùa này, theo tấm bia năm 1632 trong chùa, được bắt đầu từ năm 1630 và hoàn thành vào năm 1632. Người đứng đầu việc vận động quyên góp tiền của để dựng chùa là bà Lại Thị Ngọc Lễ, vợ viên hoạn quan nổi tiếng bấy giờ là Hoàng Nhân Dũng (Dũng bị chúa Trịnh Tráng giết 20 năm sau, năm 1652).
Chùa được trùng tu nhiều lần, vào các năm 1689, 1707, 1941... Lần trùng tu năm 1941, có sự giúp đỡ của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp.
Chùa được làm trên một khu đất rộng, khoảng 58.000m2, gồm nhiều ngôi nhà làm thành những cụm kiến trúc khác nhau.
Chùa có hai tam quan, ngoài và trong, cách nhau một hồ nước. Tam quan trong còn giữ được bộ cánh cửa gỗ thế kỷ XVII, cao 2m, rộng 2,6m, chạm một ổ rồng, với những con rồng mẹ và rồng con, chầu mặt nguyệt.
Qua tam quan, đến phần chùa thờ Phật, gồm ba ngôi nhà nối vào nhau. Ngôi nhà ở ngoài, gọi là chùa hộ, còn giữ được nhiều mảng điêu khắc gỗ thế kỷ XVII. Ngôi nhà giữa, gọi là ống muống, và ngôi nhà trong, tức Phật điện, đều có các bàn thờ đặt các tượng Phật và Bồ Tát, cùng 10 vị Diêm Vương. Đặc biệt ở đây có tượng Thích Ca nhập niết bàn, tượng Bồ Tát Quan Âm Chuẩn Đề đặt giữa tượng Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền...
Sau chùa thờ Phật là đền thờ Thánh tức nơi thờ thiền sư Không Lộ, nhà sư thời Lý đã xây dựng và trụ trì ở ngôi chùa đầu tiên, chùa Nghiêm Quang, bên bờ sông Hồng. Đền cũng có bốn ngôi nhà liền nhau: tòa Giá Roi, chỉ có một bàn thờ nhỏ, nhà thiêu hương có nhiều bản thờ cho khách thập phương cúng vọng vào hậu cung, tòa thu ba gọi là Phụ Quốc hay hậu cung, nơi để bài vị Không Lộ và cuối cùng là tòa thượng điện, nơi đặt tượng Không Lộ.
Qua một sân nhỏ, đến gác chuông. Gác chuông chùa Keo là một kiến trúc đẹp, cao 11,04m, có ba tầng mái. ở tầng một, có treo một khánh đá. Tầng hai có quả chuông đồng lớn đúc năm 1686. Hai quả chuông nhỏ treo ở tầng ba và tầng thượng đều được đúc năm 1796.
Hai hành lang dài chạy từ chùa Hộ nối với nhà tổ và nhà trai sát gác chuông, bao quanh toàn bộ chùa.