Chùa Việt Nam

Thư viện số về văn hóa Phật giáo
Chùa Quỳnh Lâm
Vị trí: xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Chùa Quỳnh Lâm nằm trên một quả đồi thấp, trong vòng cung núi Đông Triều, ở thôn An Sinh, xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Chùa xây từ thời Lý (1010 - 1225). Cùng với Côn Sơn, Yên Tử, chùa Quỳnh Lâm hợp thành ba trung tâm Phật giáo của nước Việt thời Lý-Trần.
Đặc biệt là từ năm 1316, khi Trúc Lâm Đệ Nhị Tổ Pháp Loa lập "Viện Quỳnh Lâm" để truyền kinh giảng đạo, đào tạo tăng ni và tiếp theo là Văn Huệ Vương Trần Quang Triều lập "Bích Động Thư Xã" thì chùa trở thành trung tâm văn hóa thời Trần. Từ đó đến nay, tuy trải qua nhiều biến động và nhiều lần trùng tu, nhưng chùa Quỳnh Lâm vẫn luôn là một danh lam cổ tự rất được trọng vọng ở miền Đông Bắc đất nước.
Chùa thờ Phật, thờ Khổng Minh Không, một vị cao tăng thời Lý, ông tổ nghề đúc nước ta, người được truyền thuyết ghi nhận là đã cho đúc pho “Tượng Quỳnh Lâm” khổng lồ, một trong Tứ đại khí của nước Nam. Chùa còn thờ 3 vị Trúc Lâm Tam Tổ: Trần Nhân Tông, sư Pháp Loa và sư Huyền Quang.
Chùa còn giữ được một tấm bia thời Lý dựng trước cửa chùa, cao 2,43m, rộng 1,54m, khắc chữ hai mặt và một số di vật bằng đá, đất nung có tuổi lâu đời. Trước sân chùa có nhiều tháp cổ, trong đó có tháp Tuệ Quang là tháp mộ thiền sư Châu Nguyên dựng năm 1726. Ngoài ra, trong chùa còn lại nhiều đá tảng kê chân cột to, có tảng đường kính lên tới 1,28m, chạm hình cánh sen, theo phong cách thời Lý.
Lễ Hội chùa Quỳnh Lâm diễn ra từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 4 tháng 2 Âm lịch.