Chùa Việt Nam

Thư viện số về văn hóa Phật giáo
Chùa Thành
Vị trí: số 3 đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn
Chùa Thành tên chữ là Diên Khánh tự ( do chùa nằm cạnh Đoàn Thành phía Bắc lên từ xưa mọi người vẫn quen gọi là chùa Thành) có từ khoảng thế kỷ XV, trước kia thuộc Châu Ôn và có tên là Hương Lâm Tự ( Năm 1796 chùa được trùng tu và đổi tên thành Diên Khánh Tự)
Nằm cạnh con sông Kỳ Cùng và bến đò Thạch Độ ( cầu Kỳ Lừa bây giờ) với một vị trí phong thủy hữu tình, ngôi cổ tự như soi bóng xuống dòng sông trong xanh, hòa quyện tiếng chuông chiều trầm ấm ngân nga, làm cho người ta như vơi đi bao não phiền trần thế.
Khi xưa, mỗi lần các sứ thần của hai nước Việt Trung qua lại thì đều vào chùa dâng hương lễ Phật, cầu nguyện bình an, trước khi qua sông đem theo sứ mệnh của mình cho công tác bang giao.
Từ phía ngoài nhìn vào là cổng Tam Quan chồng diêm lớp lớp với 24 mái, lợp ngói mũi hài và các đầu đao cong vút. Với lối kiến trúc cổ truyền của Phật giáo miền Bắc, lại càng tôn thêm vẻ uy nghiêm cổ kính của chốn thiền môn, làm cho ta như đang đi vào cõi thiền an tịnh.
Chùa được chia ra có hậu cung thờ Phật, Bái Đường, Phương Đình, Tiến Đường, Tam Quan, Tổ Đường, Hậu Đường… với tất cả là 38 gian lớn nhỏ.
Toàn bộ hệ thống tượng thờ của chùa được đúc bằng đồng vàng nguyên khối với trên 40 pho tượng lớn nhỏ. Đây là ngôi chùa duy nhất trên toàn Quốc có đầy đủ hệ thống tượng Phật thờ theo lối Phật giáo Bắc Tông được đúc toàn bộ bằng đồng nguyên khối.
Tại Tam Quan của chùa treo một quả chuông nặng 2100kg mới được đúc năm 2007 để sớm hôm chiêu mộ. Tiếng chuông trầm ấm ngân nga, bay xa hàng chục km và bạn sẽ thấy thanh thoát tâm hồn nếu như một lần bạn được nghe tiếng chuông chùa Thành hòa vào thinh không khi chiều buông, sương phủ mờ trên mặt sông Kỳ Cùng thơ mộng.
Chùa được trùng tu nhiều lần vào các năm 1796 – 1947 – 1967 – 1980 – 1992 và đặc biệt vào năm 2004 chùa được phép đại trùng tu và có được toàn cảnh như ngày nay.Chùa Thành hiện nay là trụ sở của Phật giáo tỉnh Lạng Sơn. Là trung tâm văn hóa Phật giáo của toàn tỉnh. Vào các ngày lễ của Phật giáo và các chiều Chủ Nhật, có rất đông tín đồ Phật tử đến để nghe giảng và tu học. Đặc biệt vào các dịp lễ hội như: Hội Bắc Lệ tháng chín, Hội Đầu Pháo Tả Phủ, Kỳ Cùng, có rất đông Qúy khách thập phương tới chùa chiêm bái, cầu phúc.
Chùa Thành đã được xếp hạng Di Tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1993.