Chùa Việt Nam

Thư viện số về văn hóa Phật giáo
Chùa Thầy
Chùa Thầy là một di sản văn hoá quý của đất nước, nơi lưu dấu tích của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa không chỉ là nơi danh lam thắng cảnh nổi tiếng, là địa chỉ đỏ trong cách mạng kháng chiến mà còn là di tích kiến trúc nghệ thuật với lối kiến trúc độc đáo, nghệ thuật chạm khắc và hệ thống tượng pháp tiêu biểu. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều di vật quý như: Bệ tượng thời Lý, sấu đá thời Trần, lưng ghế (lưng ngai) thế kỷ XVI, hạc thờ, phỗng hầu, hương án thời Lê, chuông đồng thời Tây Sơn, và các tư liệu Hán Nôm… và đặc biệt ấn tượng là bệ đá hoa sen hình hộp nhị cấp được các nhà nghiên cứu xếp niên đại vào thời Lý Trần.
Chùa Thầy xây dựng từ thời Đinh, từ một am nhỏ của dân. Sự phát triển gắn liền với sự tu luyện mang mầu sắc Mật giáo của thiền sư Từ Đạo Hạnh ở thế kỷ XI đã làm cho chùa dần trở nên nổi tiếng và có quy mô lớn. Dù không được xếp vào loại chùa đại danh lam nhưng chùa Thầy lại có sức hút lớn, quy tụ được mọi tầng lớp trong xã hội từ người dân thường địa phương cho đến vua, chúa, các nhà thơ, thiền sư… Điều này có được trước tiên là do chùa Thầy đã chọn được một cảnh quan thiên nhiên vốn xếp vào loại danh lam thắng cảnh nổi tiếng của vùng quê xứ Đoài, khi mọi công trình kiến trúc trong cảnh quan đó đều được tính toán chặt chẽ theo nguyên tắc hài hoà về phong thuỷ, được mở mang dần qua các thời kỳ để được hoàn thiện vào thế kỷ XVII. Trong mặt bằng kết cấu chung của ngôi chùa phật giáo Việt, chùa Thầy đã khai thác được những thành phần kiến trúc độc đáo, ăn nhập với tổng thể như nhà Thuỷ đình giữa hồ nước, hai cầu Nhật Tiên Kiều - Nguyệt Tiên Kiều, Điện thánh … Hơn nữa chùa Thầy còn có sự liên kết chặt chẽ với quần thể chùa chiền, hang động trên núi cũng như xung quanh chùa để tạo thành một tổ hợp kiến trúc không thể tách rời, đẹp về kiến trúc, phong phú về loại hình, cảnh quan quần thể khu di tích chùa Thầy còn hoà quyện với nhiều huyền thoại phật giáo gắn với Từ Đạo Hạnh với tín ngưỡng dân gian như câu chuyện về hang Cắc Cớ, Bàn cờ tiên, chợ Trời…càng làm cho kiến trúc chùa Thầy trở lên linh thiêng, huyền bí.
- Giá trị lịch sử, kiến trúc
Với vai trò và sức ảnh hưởng lớn của Từ Đạo Hạnh với vùng phủ Quốc Oai và lan sang một số vùng khác của Thủ đô Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên… định hình lên dạng ngôi chùa phối thờ cả Phật và Thánh đã giúp các nhà nghiên cứu đặt vấn đề tìm hiểu về một thức chùa riêng có của phật giáo Việt Nam. Đó là chùa dạng “tiền Phật hậu Thánh” nơi tôn vinh các vị thiền sư có lối tu gắn với Mật giáo ở thời kỳ Lý - Trần. Kiến trúc chùa Thầy đã đạt tới giá trị của nghệ thuật kiến trúc cảnh quan thiên nhiên. Trong nghệ thuật kiến trúc - cảnh quan ấy, chùa Thầy đã xây dựng được một biểu tượng phật giáo - hình tượng rồng đầy sáng tạo dựa trên vật liệu tận dụng vị trí đắc địa của tự nhiên. Qua đó cũng để như muốn chuyển tải nhiều ý nghĩa biểu tượng của phật giáo cũng như ước vọng của người dân.
Chùa Thầy được xây dựng vào thời Lý, triều đại mà Phật giáo được coi trọng và phát triển ở đất Việt.
Đây là một quần thể di tích và danh thắng nổi tiếng với nhiều điểm tham quan như: quán Tam Xã, đình Thuỵ Khuê, hang Cắc Cớ, vườn trúc Lữ Gia… nhưng giá trị kiến trúc nổi bật nhất của khu di tích chùa Thầy nằm ở ba toà của chùa Cả với những dấu ấn đặc trưng của kiến trúc thế kỷ XVII. Từ một am nhỏ thời Lý, đến thế kỷ XVII chùa Cả đã phát triển thành ngôi chùa đồ sộ với ba toà Tiền đường - Điện Phật - Điện Thánh xếp hình chữ Tam. Nhà cầu nối liền 2 tòa Tiền Đường - Điện Phật với nhau được các nhà nghiên cứu cho rằng: đó là một trong những biểu hiện chữ “công” sớm nhất còn lại cho tới nay ở nước ta. Đặc biệt cả ba toà chùa chính đồ sộ với rất nhiều kèo, cột, trụ… nhưng chỉ có 36 lỗ đục, còn gỗ được xếp chồng khít lên nhau rất vững chắc không chỉ chứng tỏ sự khéo léo tuyệt vời của các nghệ nhân xưa mà còn gây bất ngờ thú vị cho đời sau. Tương truyền, ngói lợp chùa Thầy được lấy từ khu vực chùa Tây Phương về, cả một quãng đường gần 15km mà ngói được người dân, Phật tử truyền tay nhau theo kiểu nối dây, ấy thế mà chỉ trong 1 ngày vừa vận chuyển vừa lợp xong mái chùa Cả.
Bên cạnh những giá trị về kiến trúc, chùa Thầy còn có hệ thống tượng phong phú với nhiều chất liệu, tiêu biểu như bộ tượng Di Đà Tam Tôn được cho là bộ tượng có niên đại sớm nhất và nghệ thuật đẹp nhất thuộc thể loại này, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015; đặc biệt là tượng Thánh Từ Đạo Hạnh bằng gỗ chiên đàn đặt trong khám thờ gỗ chạm cao khoảng 1,6m. Khi xưa tương truyền mỗi lần mở khám thì tượng từ từ đứng dậy, đóng cửa tượng lại từ từ ngồi xuống. Về sau Cao Xuân Dục - tuần phủ Sơn Tây (1841 - 1923) có bàn với bô lão trong xã: Thánh thì không phải chào người phàm, để Ngài đứng dậy mỗi lần mở cửa thì chúng ta thất lễ. Từ đó mới cắt dây máy và tượng ngồi luôn. Ngoài hệ thống tượng lung linh, huyền ảo, ở chùa Thầy còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm như: Ghế thờ gỗ chạm thời Mạc, bệ đá hoa sen thời Lý - Trần, Sấu đá thời Trần chân đèn gốm, khám thờ thời Mạc, chuông thời Tây Sơn, khánh thời Nguyễn…
Kiến trúc chùa Thầy là nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu cho một hợp thể kiến trúc nhiều kiểu tượng đẹp và hình khối, kết cấu, thẩm mĩ đồng thời ẩn chứa trong đó nhiều ý nghĩa tư tưởng sâu sắc của Phật giáo cũng như cuộc sống. Biểu tượng hai chiếc cầu ngói gắn với vẻ đẹp phong cảnh làng quê Việt Nam, nhưng ở gian ống muống - nhà cầu lại trở thành biểu tượng mang triết lý Phật giáo về sự giải thoát. Ngoài ra, ta còn gặp nhiều biểu tượng khác trong kiến trúc thành phần như hoa sen, đá - núi. Tất đã làm nên giá trị thẩm mỹ, tinh thần cũng như vẻ đẹp riêng của nghệ thuật kiến trúc chùa Thầy và giá trị cao nhất mà nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan chùa Thầy hướng đến và biểu hiện chính là sự hoà đồng giữa tự nhiên, con người và vũ trụ.