Chùa Việt Nam

Thư viện số về văn hóa Phật giáo

Chùa Trầm

Vị trí: xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Chùa Trầm được xây dựng vào thế kỉ 16, năm Cảnh Trị thứ 7 (1669), do một vị tướng quân sau khi xuất gia lập nên. Ngôi chùa mang tên gọi của ngọn núi nơi nó dựa vào, là “Tử Trầm sơn”. Xưa kia, nơi này là hành cung của vua Lê, chúa Trịnh, với lợi thế khung cảnh yên tĩnh, thanh tịnh của sông Đáy, núi Trầm. Địa thế chùa rất đẹp với các núi nhỏ bao quanh.

Chùa Trầm được coi là một trong bốn ngôi chùa thiêng thuộc hàng “tứ đại danh thắng của xứ Đoài”, bên cạnh các chùa như: chùa Trăm Gian, chùa Thầy và chùa Tây Phương. Ngôi chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa tâm linh đặc trưng của cư dân đồng bằng Bắc bộ. Chùa Trầm tuy nhỏ, nhưng lại mang vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm với thế “tọa sơn quan thủy”, lưng dựa núi, trước mặt nhìn ra hồ sen bát ngát, xung quanh được bao bọc bởi những tán cây rừng dày đặc, xanh mát,…

Cổng chùa Trầm dẫn thẳng vào một sân gạch rất rộng, nhuốm vẻ u tịch dưới bóng núi và tán lá các cổ thụ. Toà Tam bảo được xây theo kiểu hình chữ “Đinh” ở mé trái sân, khách lên phải leo qua ba thềm gạch cao tổng cộng 17 bậc. Tiền đường rộng 5 gian, bên trong thượng điện bài trí trang nghiêm, hệ thống tượng Phật khá đầy đủ, sinh động. Hông chùa dựa vào vách núi, cũng như nhà bia, tháp mộ và ngôi miếu nhỏ trước tiền đường. Phía sau là nhà Tổ, trai phòng và sân hậu.

Cạnh lối vào hang có đài kỷ niệm một sự kiện lịch sử trong thời kỳ đầu của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chính từ đỉnh núi Trầm, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch đã vang lên khắp bốn phương trên làn sóng điện ngày 20/12/1946, ngay sau đêm quân dân thủ đô Hà Nội nổ súng tấn công giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta. Chùa Trầm nhỏ bé, nhưng từng 4 lần được vinh dự đón Bác về thăm.

Lễ hội chùa Trầm được tổ chức vào ngày 2/2 Âm lịch hàng năm. Người dân tới lễ chùa Trầm để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho cuộc sống an lành, thịnh vượng. Hội chùa Trầm xưa mang đậm nét văn hoá dân tộc với những trò chơi dân gian: đu tre, rối nước, cờ tướng, leo cột mỡ, đánh vật, chọi gà… và cả lễ rước ảnh Bác gắn với dấu ấn lịch sử khi Bác Hồ nhiều lần về thăm và làm việc tại nơi đây.

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM – BAN VĂN HÓA TRUNG ƯƠNG Đạo Pháp – Dân Tộc – Chủ Nghĩa Xã Hội Văn Phòng I Ban Văn Hóa Trung ương GHPCVN – Phòng 223, 73 Quán Sứ, Hà Nội Email: info@vanhoaphatgiao.vn ĐT: 043 941 6599  -  Fax: 043 941 6599