Chùa Việt Nam

Thư viện số về văn hóa Phật giáo

Chùa Từ Quang

Vị trí: thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Chùa Từ Quang hay còn gọi là chùa Đá Trắng (vì chùa được xây dựng trên một triền núi có rất nhiều đá màu trắng nên dân gian gọi là chùa Đá Trắng) thuộc thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Năm 1793, Hòa thượng Pháp Chuyên (hay còn gọi là Diệu Nghiêm), hiệu là Luật Truyền Hòa thượng, đời thứ 36 phái Lâm Tế đã xây dựng một thảo am để dịch kinh Hoa nghiêm. Bốn năm sau (1797) từ một ngôi thảo am, Hòa thượng cho xây dựng thành một ngôi chùa mái lá đồ sộ, bề thế thuộc loại nhất nhì ở Phú Yên lúc bấy giờ. Về sau, chùa được triều đình ban tặng nhiều phẩm vật quý, trong đó có chiếc chuông đồng đúc năm 1804.

Năm 1842, quan Án sát Nguyễn Văn Lý cho dựng ở chùa 1 tấm bia đá, trên đó khắc bài thơ ca ngợi địa phương và phong cảnh chùa.

Năm 1885, hưởng ứng phong trào Cần Vương do Lê Thành Phương lãnh đạo, nhiều tăng ni, tín đồ, Phật tử chùa Từ Quang tham gia, ủng hộ phong trào. Chùa Từ Quang còn được Võ Trứ và Trần Cao Vân chọn làm căn cứ và là nơi khởi xướng cho phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp tại địa phương.

Năm 1888, Hoàng thái hậu Từ Dũ ban tặng cho chùa một tấm bia. Năm 1899, vua Thành Thái ban “Sắc tứ” và từ đó chùa có tên “Sắc tứ Từ Quang Tự”.

Năm 1929, chùa bị hỏa hoạn cháy rụi. Năm 1988 chánh điện được xây dựng lại như hiện nay, bên trong chánh điện có quả đại hồng chung nặng 330 tấn được thiền sư  Pháp Ngữ (trụ trì đời thứ 8) ra Phú Xuân kinh đô Huế đúc năm 1915.

Qua hơn 300 năm tồn tại, chùa Đá Trắng đã có nhiều vị danh sư trụ trì, đặc biệt trong đó phải kể đến là thiền sư Huệ Nhãn - người đã có công lớn trong việc huy động tăng tín đồ Phật tử góp công góp sức xây dựng con đường lát đá từ quốc lộ 1A dẫn lên chùa đến nay vẫn còn nguyên vẹn.

Phía Tây Nam của Chùa có khu mộ tháp rêu phong cổ kính, được trang trí nhiều họa tiết hoa văn tinh tế, mềm mại, mang đậm yếu tố mỹ thuật cổ. Xung quanh chùa có vườn xoài cổ thụ hàng trăm năm tuổi, đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cụm cây di sản Việt Nam. Xoài chùa Đá Trắng nổi tiếng thơm ngon, dưới triều đại các đời vua nhà Nguyễn thế kỷ XIX, xoài chùa Đá Trắng đã cùng với hàng trăm sản vật khác của Phú Yên như trầm hương, tô hạp hương, sa nhân, mật ong, sừng tê giác… được các quan trấn tỉnh thu nộp về kinh dâng vua. Cũng chính thế mà xoài chùa Đá Trắng còn có tên gọi khác là “xoài tiến cung” hay “xoài ngự”.

Hằng năm, vào ngày mùng 10 và 11 tháng Giêng âm lịch, chùa Đá Trắng tổ chức lễ hội thu hút đông đảo bà con Phật tử khắp nơi về đây tham dự với mong ước cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, muôn người bình an hạnh phúc.

Chùa Từ Quang đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày năm 1997.

 

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM – BAN VĂN HÓA TRUNG ƯƠNG Đạo Pháp – Dân Tộc – Chủ Nghĩa Xã Hội Văn Phòng I Ban Văn Hóa Trung ương GHPCVN – Phòng 223, 73 Quán Sứ, Hà Nội Email: info@vanhoaphatgiao.vn ĐT: 043 941 6599  -  Fax: 043 941 6599