Chùa Việt Nam

Thư viện số về văn hóa Phật giáo

Chùa Vọng Cung

Vị trí: số 28 đường Trần Phú, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

Chùa được xây dựng vào thời Gia Long (1802 - 1820). Chùa nguyên là toà Vọng Cung của Thành Nam xưa, là nơi đón tiếp các vị vua chúa, quan lại mỗi khi kinh lý qua Nam Định. Chùa vẫn còn gìn giữ một cỗ ngai sơn son thếp vàng để dành riêng khi vua ra thì ngự. Vì vậy chùa có tên là Vọng Cung. Năm 1860, Phạm Văn Nghị làm lễ xuất quân cho hơn 300 nghĩa binh vào Nam đánh Pháp tại ngôi chùa này. Từ năm 1945, chùa Vọng Cung còn là nơi tu hành của các tăng ni phật tử. Năm 1947, giặc Pháp đánh Nam Định, san bằng chùa Vọng Cung. Năm 1948 - 1950, nhà sư Thích Tâm Tri (pháp danh Tuệ Lạng) từ chùa Quán Sứ (Hà Nội) về Nam Định mở lớp Phật học đã xin được tu tạo lại hành cung xưa. Các năm 1965, 1972 bom Mỹ làm hư hại hoàn toàn. Năm 1974, chùa được xây dựng lại 15 căn nhà gỗ. Năm 1983 hòa thượng trụ trì Thích Thuận Đức xây dựng lại chùa như ngày nay. Năm 1988 chùa tiếp tục được kiến tạo lại năm ngôi bảo tháp và hoàn chỉnh nội, ngoại thất.

Chùa Vọng Cung kiến trúc khá độc đáo, diện tích khoảng 10.000 m2. Có hai cổng chính vào chùa. Chùa chính hai tầng, 5 gian mái cong, tầng trên thờ Phật, có nhiều pho tượng đẹp, giá trị điêu khắc cao. Tầng dưới và phía sau là nhà tổ, nhà giảng kinh, nhà khách, nhà kho, nhà lưu niệm… Trước cửa chùa có cầu thang lớn hình cánh cung lên chùa. Bên phải là 5 ngôi bảo tháp và số ngôi mộ chôn cất thi hài các nhà sư trụ trì và có công xây dựng chùa.

Nghệ thuật chạm, khắc gỗ điêu luyện thế kỷ 19 cũng để lại dấu ấn trên nhiều mảng kiến trúc và trang trí. Các tác phẩm điêu khắc không nhiều, nhưng lạ mắt. Đôi câu đối là hai tác phẩm độc đáo chạm lộng rồng nổi, thếp vàng trên toàn bề mặt, chữ thì đặt nổi trên hình. Hai bức cửa võng ở hậu cung, viền chạm trổ đôi rồng chầu mặt nguyệt; trong chạm "mai-điểu" với bố cục lạ mắt mà hài hòa. Trong số những hiện vật, đồ thờ bằng đồng, đặc sắc là quả chuông lớn, điểm chuông sớm tinh mơ thì tiếng ngân vang tới ngoại thành.      

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM – BAN VĂN HÓA TRUNG ƯƠNG Đạo Pháp – Dân Tộc – Chủ Nghĩa Xã Hội Văn Phòng I Ban Văn Hóa Trung ương GHPCVN – Phòng 223, 73 Quán Sứ, Hà Nội Email: info@vanhoaphatgiao.vn ĐT: 043 941 6599  -  Fax: 043 941 6599