chuavn.d.webcom.vn

Thư viện số về văn hóa Phật giáo

Chùa Bạch Liên


Vị trí: xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

Chùa Bạch Liên có nghệ thuật chạm khắc mang tính nghệ thuật cao. Trước hết là hệ thống cửa võng. Gian chính giữa của tòa nhà tiền đường và 4 vì của chùa Tam Bảo, đều có cửa võng nằm gọn gàng trong khung giữa đại trụ và câu đầu, hoặc đại trụ và xà lòng của công trình.

Từ cửa bước vào cửa tòa tiền đường, ngay hàng cột đầu tiên, đã xuất hiện tòa cửa võng "Cửu long tranh châu" chạm khắc nghệ thuật, tạo không khí uy nghiêm. Ở tòa võng thứ 2 cũng ở chính diện tòa tiền đường, các nghệ nhân làng Ngò, xã Tiên Nôi, huyện Duy Tiên đã không quản công mang hết khả năng tạo nên mô típ giàn nho sinh động làm đường diềm phía trên, lại đến lớp lớp cánh sen dụ đều đặn đổ về hai phía, chạy theo đường riềm phía dưới. Bức cửa võng thứ 3, ở vị trí đầu tiên của tòa tam bảo, được bố cục dưới bức đại tự khảm trai, với 4 chữ lớn nổi bật "Đàm hoa hiện thụy" nghĩa là trong vườn hoa cửa thiền thấy rõ điều tốt lành, do các tín lão trong ấp tiên cúng. Hai bên cửa võng là đôi câu đối chạm khảm trai uốn lượn hình mai với các áng mây bay lượn tầng tầng lớp lớp.

Tòa cửa võng thứ 4, cũng gắn dưới hàng câu đầu, hai bên bám sát đai trụ, vừa có giá trị trang trí, vừa giữ thêm chức năng của giá trị công trình. Nghệ nhân  đã khắc hoạ hai cây tùng hóa long, bên cây tùng có họa tiết dàn nho sinh động nép bóng, điểm thêm bóng hình chim trĩ đang nhảy nhót, nghiêng ngó tìm mồi.

Phần chính diện của cửa võng thứ 5 được gia công nghệ thuật chu đáo. Nghệ nhân đã tỉ mỉ và điêu luyện khắc lên gỗ một bức tranh sinh động như một bức gấm dệt công phu, có điểm cài hoa phù dung, có các nhạc cụ dân tộc như đàn, sáo, nhị…

Chùa Bạch Liên còn có bộ y môn, gồm bốn chiếc làm bằng gỗ, sơn sơn thiếp vàng rất đẹp, treo ở mặt tiền tòa tiền đường, giữa những căn xà lòng thượng và hạ của bốn gian phía đông và phía tây. Y môn cùng với đại tự, cửa võng che chắn một phần kiến trúc mái công trình, khiến nội thất tăng thêm vẻ lộng lẫy nguy nga.

Tượng pháp Chùa Bạch Liên được bảo tồn khá cẩn thận nên giữ được khá đầy đủ. Ba pho tam thế trên cùng, ngồi trên tòa sen được khắc họa kỳ công, thể hiện ba biểu tượng của thế giới phật, ở cuộc đời tu hành từ quá khứ, hiện tại đến sau này.

Chùa Bạch Liên còn có một số đồ thơ tự có giá trị như đôi khám thờ ở hai gian phía đông và phía tây tòa tiền đường. Đặc biệt Chùa Bạch Liên có một chiếc khánh bằng đồng cao 1m, rộng 1,25m, dài 2 phân. Khánh có chữ "Tự đức thấp tứ niên tuế thứ Tân dậu cửu nhật nguyệt cải trù", tức là khánh này được đúc lại ngày 9 tháng 9 năm Tân Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ 14 (1860).

Đồ thờ, tượng pháp chùa Bạch Liên được xêp đặt ở vị trí cân đối, hợp lý. Các bệ thờ được làm cao dần, lại vừa phải, đã góp phần làm tăng thêm vẻ uy nghi, lộng lẫy, cũng như việc bài trí tượng pháp thể hiện tính thẩm mỹ cao.