chuavn.d.webcom.vn

Thư viện số về văn hóa Phật giáo

Chùa Basi


Vị trí: xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh
Chùa Ba Si được xây dựng gần 400 năm, qua 11 đời sư cả hoà thượng trụ trì. Chùa không chỉ đơn thuần là Trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, trung tâm giáo dục của cộng đồng mà đây còn là nơi hoạt động bí mật, nơi nuôi chứa, bảo vệ nhiều cán bộ cách mạng. Và đây cũng là nơi ghi lại nhiều dấu ấn lịch sử qua 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ.

Hưởng ứng phong trào đấu tranh chính trị, chống cưỡng bức đồng hóa dân tộc kết hợp đòi dân sinh, dân chủ. Các sư trong chùa sắp xếp, dọn chổ trong chánh điện, các sala và khuôn viên chùa để nuôi chứa, bảo vệ cán bộ. Ngoài ra, phật tử nhà chùa còn đấu tranh bảo vệ chùa, bảo vệ con sóc của mình với yêu sách "Không được vào chùa bắt lính". Chùa còn tham gia đóng góp nhiều của cải và công sức cho cách mạng, góp phần cùng huyện Càng Long nói riêng và cả nước nói chung làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giành hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước.
Chính sự bảo bọc nuôi chứa của chùa mà nhiều cán bộ cách mạng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng được an toàn tính mạng để phục vụ tốt cho cách mạng như: ông Maha Sơn Thông, ông Thạch Minh Mẫn, Sơn Tho, Sơn Wên, Trần Thành Đại, Trần Lái, Thạch Đông, Thạch Đinh,…
Các vị sư của chùa dưới sự lãnh đạo của sư cả Sơn Khune đã tiếp tục nuôi chứa, bảo vệ cách mạng. Vì chính nghĩa – không vị sư nào biết sợ hy sinh.
Sau chiến tranh, chùa liên tiếp được tôn tạo và bảo quản. Ngôi chùa vẫn còn giữ được hình dáng ban đầu, luôn vận động đi lên theo hướng chùa là trung tâm sinh hoạt và tôn giáo của đồng bào Khmer.
Những đóng góp cho cách mạng với sự mất mát, hy sinh và những dấu tích chiến tranh còn để lại, năm 2011 Bảo tồn bảo tàng tỉnh Trà Vinh đã kết hợp Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, Ủy ban nhân dân huyện Càng Long khảo sát, nghiên cứu và đề nghị xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia cho chùa. Kết quả đã được Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch công nhận vào ngày 18/7/2012 bằng quyết định số: 2631/QĐ-BVHTTDL. Đó là niềm vinh dự và tự hào của nhà chùa nói riêng và của toàn Đảng, toàn dân huyện Càng Long nói chung.
Tại buổi lễ nhận bằng, Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, lãnh đạo UBND huyện đề nghị Ban quản trị chùa, bà con phật tử nhà chùa tiếp tục bảo vệ những hình ảnh, hiện vật, dấu tích, tư liệu của nhà chùa. Thường xuyên tu bổ, nâng cấp sửa chữa các sa la, chánh điện để chùa được hoàn thiện hơn nhằm ghi lại những dấu tích lịch sử phục vụ nghiên cứu học tập cho đời nay và cho thế hệ mai sau. Kêu gọi các ngành, các cấp và toàn thể bà con hãy quan tâm hỗ trợ và đóng góp để chùa thực hiện tốt việc bảo vệ, tôn tạo vẽ mỹ quang cũng như giá trị di tích lịch sử của chùa. Xây dựng nơi đây trở thành một nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh và nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc.