chuavn.d.webcom.vn

Thư viện số về văn hóa Phật giáo

Chùa Cảm Ứng


Vị trí: xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh

Chùa Cảm Ứng thuộc làng Tam Sơn, xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn. Chùa Cảm Ứng cùng với các cơ sở thờ tự tín ngưỡng của cộng đồng ( như đình, đền, đài, đàn, miếu) tọa lạc trên một quả núi rộng khoảng 5 ha.

Theo các nguồn thư tịch cổ thì chùa Cảm Ứng ra đời vào khoảng niên hiệu Ứng Thiên thời Tiền Lê (995- 1007). Từ đó, chùa được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Năm 1063, vua Lý Thánh Tông  cho xây lại chùa với quy mô lớn hơn mà dấu tích còn lại đến ngày nay là những viên gạch hoa nổi hình lá đề, gạch đất nung còn rải rác ở quanh khu vực chùa. Đến năm 1519, Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu lại hưng công trùng tu chùa. Lúc này, chùa được mở rộng với quy mô lớn, có đến 100 gian. Vào các năm 1672, 1693, 1697, chùa lại được trùng tu với quy mô lớn. Lần trùng tu này, dân làng tập trung xây dựng tháp chuông với sự hưng công của Tiến sĩ Ngô Sách Thí và phu nhân là bà Nguyễn Thị Ngọc Vinh cùng toàn thể dân làng và thập phương tín thí. Hai cây hương đá cũng được dựng vào dịp này (một cây hương được dựng vào năm 1672, một cây được dựng vào năm 1697). Năm 1826, chùa được tu sửa lần thứ tư. Lần này, dân làng đúc quả chuông đồng có chiều cao 1,30 mét, nặng hơn 3 tạ.

Chùa Cảm Ứng cũng là địa điểm mà vào thế kỷ XI, dưới thời Lê Ngọa Triều, Lý Công Uẩn (sau đó lên ngôi là Lý Thái Tổ) đã đưa thiền sư Vạn Hạnh về ẩn náu để tránh sự truy sát của quan quân nhà Tiền Lê.

Tín ngưỡng thờ tự của chùa Cảm Ứng có nhiều đặc điểm khác với tín ngưỡng thờ tự thường thấy ở các ngôi chùa khác. Nếu ở nhiều ngôi chùa ở Bắc Ninh có tín ngưỡng thờ tự truyền thống là: tòa Tam bảo thờ các vị Phật Tam thế, các vị Bồ tát, tòa tiền đường thờ các vị Hộ pháp, Thánh Hiền, Đức Ông, thần Thổ Địa,…; hai dãy hành lang thờ 18 vị La hán,… thì ở chùa Cảm Ứng, những vị được thờ chủ yếu là các danh nhân của làng và các vị sư tổ của chùa. Đây là đặc điểm thờ tự mà có lẽ không giống với bất cứ ngôi chùa nào ở Bắc Ninh.