chuavn.d.webcom.vn

Thư viện số về văn hóa Phật giáo

Chùa Dâu


Vị trí: huyện Thuận Thành, tnh Bắc Ninh

      Dâu là vùng đất nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, xưa kia, thời thuộc Hán, gọi là Luy Lâu. Đó là trung tâm cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam.

      Ở vùng Dâu có bốn ngôi chùa cổ: Pháp Vân (Mây Pháp), Pháp Vũ (Mưa Pháp), Pháp Lôi (Sấm Pháp) và Pháp Điện (Chớp Pháp). Trong bốn chùa này, ngoài thờ Phật, còn thờ các nữ thần: Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Dàn, Bà Tướng.

Nổi tiếng hơn cả là chùa Pháp Vân, còn có tên là chùa Diên Ứng, thường được gọi là chùa Dâu. Chùa hiện ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30km về phía Bắc.

      Chùa được xây dựng vào buổi đầu Công nguyên. Các nhà sư Ấn Độ đầu tiên đã đến đây. Từ cuối thế kỷ VI, nhà sư Vinitaruci từ Trung Quốc đến chùa này, lập nên một phái Thiền ở Việt Nam.

      Chùa được xây dựng lại từ thế kỷ XIV và trùng tu nhiều lần qua các thế kỷ tiếp theo, ở tòa thượng điện, chỉ còn sót lại vài mảng chạm khắc thời Trần và thời Lê.

      Tượng Bà Dâu, hay nữ thần Pháp Vân, cao gần 2m được bày ở gian giữa, hai bên là tượng Kim Đồng và Ngọc Nữ. Gần đây, người ta đã đưa cả tượng Bà Đậu (Pháp Vũ) và Bà Tướng (Pháp Điện) về ở điện thờ chùa Dâu. Những tượng này có thể có niên đại thế kỷ XVIII.

       Bên gian trái của thượng điện có pho tượng của một người đàn ông đứng tuổi, được coi là Mạc Đĩnh Chi, một trạng nguyên thời Trần, người đã cho xây dựng lại ngôi chùa này.

       Tượng được đặt trên một bệ gỗ hình sư tử đội tòa sen, có thể có niên đại thế kỷ XIV. Trước chùa có một ngôi tháp 3 tầng xây bằng gạch cao khoảng 17m, gọi là tháp Hòa Phong. Tương truyền là tháp vốn cao đến 9 tầng. Mặt trước tầng hai có gắn bảng đá khắc chữ "Hòa Phong tháp", "Hoàng triều Vĩnh Hựu tam niên tuế thứ Đinh Tỵ trọng thu cốc nhật" (ngày tốt, tháng tám, năm Đinh Tỵ niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 3 (1737). Hẳn đây là niên đại trùng tu tháp.

       Chân tháp vuông, mỗi cạnh gần 7m. Tầng dưới có bốn cửa vòm. Trong tháp, treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đúc năm 1817. Có 4 tượng Thiên vương cao 1,6m ở bốn góc. Trước tháp, bên phải có tấm bia vuông, dựng năm 1738, bên trái có tượng một con cừu đá, dài 1,33m, cao 0,80m. Có lẽ tượng này là dấu vết duy nhất còn sót lại từ thời Hán.