Vị trí:Thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên
Chùa Hang tọa lạc trong lòng ba ngọn núi đá lớn: Huyền Vũ, Thanh Long và Bạch Hổ, ở trung tâm thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
Chùa Hang là một trong những ngôi chùa nổi tiếng trên miền sơn cước Thái Nguyên. Tích truyền Chùa Hang có từ thời nhà Lý (thế kỷ XI) và có lẽ tên gọi “Kim Sơn Tự" cũng ra đời từ đấy, nhưng nhân dân trong vùng vẫn chỉ thường gọi nôm là Chùa Hang. Sách “Dư địa chí" của Nguyễn Trãi ở thế kỉ XV có ghi: Núi đá Chùa Hang là núi Hoá Trung hay còn gọi là "núi Nghiên", sách “Đại Nam nhất thống chí" của nhóm sứ thần triều nhà Nguyễn ở thế kỷ XIX chép lại: Núi Chùa Hang gọi là núi "Long Tuyền" vì trong lòng hang có suối Long Tuyền đi ngầm về hướng Tây - Nam, chảy ra cách chùa chừng hơn 500m thì có một ngách phun lên thành một vũng to, tròn sâu, quanh năm nước tràn đầy trong mát, được gọi là giếng “Mắt Rồng'’. Căn cứ các văn bản lịch sử và các văn bia có trên vách đá trong hang thì Chùa Hang còn có tên gọi là “Tiên Lữ Động", gần với huyền thoại về các vị tiên xuống dạo chơi, đánh cờ trên núi chùa Hang và tắm mát ở giếng "Mắt Rồng’'.
Núi Chùa Hang - Động Tiên Lữ từ thời Lê sơ đến hậu Nguyễn là nơi lui tới của nhiều danh sĩ, viết sách hoặc để lại nhiều văn bia thơ phú bằng chữ Hán Khắc trên vách hang. Thời Lê Sơ năm 1497 đời Lê Thánh Tông có Vũ Quỳnh và Đặng Nghiệm; thời Hậu Lê năm 1779 đời vua Lê Hiển Tông và chúa Trịnh Sâm có Ngô Thì Nhậm; đặc biệt đến năm 1853 đời vua Tự Đức nhà Nguyễn có “Thánh Thi" Cao Bá Quát... Ngoài những tao nhân mặc khách đến viếng thăm, chùa Hang còn là nơi tu hành của nhiều bậc chân tu trong lịch sử như sư cụ Tâm Lai, Sư Ông Chính, sư Ông Đức, Sư cụ Thích Đàm Hinh... Nay trụ trì là đại đức Thích Nguyên Thanh. Chùa Hang còn là một hậu tuyến vững chắc cho tỉnh Thái Nguyên trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với vai trò như là một căn cứ địa vững chắc.
Một dự án tu bổ, tôn tạo di tích ngôi Chùa Hang cổ kính nhưng đã bị xuống cấp theo thời gian đã được UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích là 8,2 ha. Sau hơn một năm thi công, dự án đã hoàn thành cơ bản được 3 công trình trọng điểm: Chính điện Tam Bảo, Lầu chuông và Lầu trống.
Vào các ngày 20 tháng Giêng, 15 tháng 4, 15 tháng 7 (âm lịch) hàng năm, Chùa Hang thường tổ chức lễ hội lớn để cầu phúc cho nhân dân và phật tử xa gần, cùng với các trò chơi dân gian đa văn hoá như: chọi gà, đánh cờ tướng, tung còn, đi cầu kiều, bắn cung, bắn nỏ, đẩy gậy, bịt mắt bắt dê, bắt trạch trong chum, liên hoan văn hóa trà.v.v...