chuavn.d.webcom.vn

Thư viện số về văn hóa Phật giáo

Chùa Hội Linh


Vị trí : số 314/36 đường Cách mạng Tháng Tám (cách đường khoảng 200 mét), phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.

Chùa Hội Linh, còn có tên gọi khác Hội Linh Cổ Tự. Chùa được khởi lập vào năm1907, theo dòng Thiền Tông Lâm Tế. Chùa do một gia đình phật tử - ông Phạm Văn Bường (pháp danh Thông Lý) và bà Nguyễn Thị Tám (pháp danh Thông Ngọc) cúng dường đất cho Hòa thượng Thích Khánh Hưng, thế danh Quý Thanh Hương đứng ra trông coi xây cất.

Ban đầu chùa được cất đơn sơ bằng cột cây, vách và mái lợp lá, cửa chùa quay ra hướng sông Hậu, đặt tên “Hội Long Tự”. Vì chùa nằm ở ngọn một con rạch nhỏ, nên còn có tên là chùa Xẽo Cạn.

Từ ngoài vào là cổng tam quan vừa hiện đại vừa cổ kính, dưới tán 2 cây đa cổ thụ rợp bóng, dãy tường rào tạo hình cánh cung, cổng chính vươn ra phía trước, trên nóc các cổng đều được lợp mái cong giả ngói âm dương màu xanh. Mỗi cổng đều có 2 câu đối bằng chữ Hán đắp nổi. Cổng chính lợp 2 lớp mái ngói, nóc có gắn lưỡng long tranh châu bằng đất nung màu xanh. Sau cổng chính là ao sen hình bán nguyệt rộng khoảng 25m2, xung quanh trồng những cây dương liễu rũ nhánh soi bóng dưới ao. Phía trước mặt ngôi chánh điện phần trên là ba gian cổ lầu, ở giữa Đức Phật A Di Đà, bên phải tượng Đại Thế Chí Bồ Tát, bên trái tượng Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngôi chánh điện rộng 288m2, nóc cao hơn 9 mét, có 2 cửa chính đi vào, chia thành 3 gian. Ở giữa chánh điện là pho tượng Đức Phật Di Lặc Bồ Tát ngồi to, cao 2,5 mét. Phía sau lưng Đức Di Lặc là tháp đèn Dược Sư có 49 ngọn đèn (đèn bóng có tim đốt bằng dầu lửa thắp suốt ngày đêm).

Sự hình thành và tồn tại của chùa Hội Linh trong khoảng hơn 100 năm gắn liền với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược của dân tộc Việt Nam nói chung, của nhân dân Cần Thơ nói riêng.

Chùa Hội Linh ngày nay là một cơ sở tôn giáo được đông đảo bà con phật tử đến tu học và lễ bái.

Năm1993, chùa Hội Linh được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.