Vị trí : Xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh
Chùa Phật Tích, tên hiệu là Vạn Phúc tự, tọa lạc trên sườn phía nam núi Phật Tích (còn gọi là núi Lạn Kha hay Non Tiên), nay thuộc địa phận Xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Những năm đầu Công nguyên đến thời độc lập tự chủ của Vương triều Lý (1009-1225) chùa gắn với núi Tiên Du gọi là Viện Từ Thị Thiên Phúc, sau được vua Lý Thánh Tông đặt tên hiệu là chùa Vạn Phúc. Sang thời Trần (1225-1400), chùa được gọi là Phật Tích với Viện Lạn Kha nổi tiếng…
Chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII-X. Năm 1057, vua Lý Thánh Tông cho dựng ở sườn phía nam núi Tiên Du một ngọn tháp cao mười trượng (khoảng 42m) bên trong thờ một pho tượng Phật bằng đá cao sáu thước (khoảng 3.3m). Đến đời vua Lý Thần Tông (1128-1138), vào năm 1129 vua khánh thành tám vạn bốn nghìn bảo tháp bằng đất nung xung quanh Phật Tích. Thời Trần (1225-1400), chùa Phật Tích không những là một trung tâm giáo dục Phật giáo lớn mà còn là một trung tâm văn hóa chính trị của Đại Việt. Nhà vua đã cho xây dựng một thư viện lớn gọi là Viện Lạn Kha tại Phật Tích. Năm Quý Hợi niên hiệu Xương Phù (1383), thượng hoàng Trần Nghệ Tông đã tập hợp và sáng tác Bảo Hòa dư bút tại cung Bảo Hòa ở chùa. Năm Giáp Tý (1384) tổ chức thi Thái học sinh, tức là thi Tiến sĩ tại đây.
Vào thế kỷ XVII, năm Chính Hòa thứ bảy đời vua Lê Hy Tông, năm 1686, chùa được xây dựng lại với quy mô rất lớn, có giá trị nghệ thuật cao nhưng đã bị thiêu hủy hoàn toàn năm 1947. Năm 1958, chùa được dựng lại sơ sài. Năm 1987 tạo dựng được ngôi Tam bảo, nhà thờ Hậu, nhà thờ Tổ, nhà Mẫu, tuy không lớn lao như trước nhưng cũng đủ vẻ thâm nghiêm. Từ năm 1991, lễ hội Khán hoa Mẫu đơn (gắn liền với truyền thuyết Từ Thức gặp Tiên) vào ngày mồng bốn Tết đã được phục hồi. Đặc biệt năm 2005, Quán Âm viện, một trung tâm tu tập tại Phật Tích được khánh thành. Năm 2008, Hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2010), di tích chùa Phật Tích đã được Nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí lớn để phục hồi di tích khang trang to đẹp như hiện trạng ngày nay.
Chính giữa là ngôi chùa kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc”, có tổng diện tích là 1.064m2, với 11 gian Tiền đường, 3 gian Thiêu hương, 3 gian 2 chái Thượng điện, 11 gian nhà Hậu. Hai bên, có hai dẫy hành lang, mỗi dẫy 7 gian. Trong cụm kiến trúc chính còn có các tòa nhà như: nhà Tổ, nhà Mẫu, phủ Chúa, nhà khách...
Chùa Phật Tích từ xưa tới nay là một trong những trung tâm tín ngưỡng thờ Phật, đồng thời là công trình lịch sử kiến trúc, điêu khắc nghệ thuật đặc sắc còn lại trên đất Bắc Ninh. Bên cạnh những giá trị lịch sử, chùa Phật Tích còn có những giá trị về cổ vật, tín ngưỡng, tôn giáo. Đặc biệt những cổ vật của chùa như: Hệ thống thú đá trước cửa chùa, các hiện vật trang trí kiến trúc, trong đó có pho tượng Adiđà là một kiệt tác về nghệ thuật điêu khắc truyền thống và là bảo vật quốc gia đặc biệt.
Với giá trị đặc sắc và nổi bật, chùa Phật Tích đã được xếp hạng di tích là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.