Vị trí: Phường Lộc Vượng, tp. Nam Định, tỉnh Nam Định
Chùa Phổ Minh, còn gọi là chùa Tháp, cách thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định khoảng 5km về phía bắc. Theo sử biên niên thì chùa Phổ Minh được xây dựng vào năm 1262, ở phía tây cung Trùng Quang của các vua đời Trần. Nhưng theo các minh văn trên bia, trên chuông, thì ngôi chùa này đã có từ thời Lý. Có thể chùa đã được xây dựng lại với quy mô rộng lớn từ năm 1262.
Kiến trúc thời Trần được bảo tồn khá nguyên vẹn ở đây là tháp Phổ Minh. Nhiều viên gạch xây tháp ghi niên hiệu Hưng Long năm thứ 13 (1305). Có lẽ tháp được xây dựng vào khoảng thời gian này. Tháp cao khoảng 17m, gồm 14 tầng. Nền tháp và tầng 1 xây bằng đá, những tầng còn lại phía trên xây bằng gạch. Tầng nào cũng trổ 4 cửa vòm cuốn, giữa các tầng là gờ mái. Tầng 1 đặt trên bệ đá, có hai lớp cánh sen, lớp dưới chúc xuống, lớp trên ngửa lên đỡ lấy đáy tháp hình vuông, mỗi cạnh rộng hơn 5m. Bệ và tầng 1 có những hình chạm nông trên mặt đá như hoa lá, sóng nước, mây cuốn, đặc trưng cho phong cách trang trí thời Trần. Mặt ngoài những viên gạch các tầng trên đưực trang trí hình rồng.
Trong sân chùa, ngoài ngôi tháp, còn hai nhà bia ở hai bên. Nhà bên phải, có tấm bia dựng năm 1916, nói về tháp Phổ Minh, còn nhà trên trái, có tấm bia năm 1668, nói về ngôi chùa.
Chùa là một cụm kiến trúc gồm tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện. Bộ cánh cửa bằng gỗ lim ở gian giữa nhà tiền đường là di vật còn lại từ thời Trần, phần trên chạm những con rồng, phần dưới chạm hình hoa, sóng nước và hoa văn hình học.
Trong chùa, ngoài các tượng Phật, còn có tượng của ba vị tổ của phái Thiền Trúc Lâm thời Trần là Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang, ờ đây còn có tượng Nhân Tông nằm, tức tượng nhập niết bàn (parinirvana), tỏ ý ví Nhân Tông với Phật. Quả chuông trong chùa đúc năm 1796.
Sau thượng điện, cách một sân hẹp, là ngôi nhà dài 11 gian, ở giữa là 5 gian nhà tổ, bên trái là 3 gian nhà tăng và bên phải là 3 gian điện thờ. Trong nhà tổ có pho tượng nữ bằng đá trắng ngồi trên tòa sen, được gọi là tượng Bà Chúa Mạc. Thời Mạc, cómột bàchúa về tu ở chùa này, lúc chết được thờ và tháp mộ của bà hiện còn trong vườn sau chùa, bằng đất nung cao 2,4m.
Hai dãy hành lang nối tiền đường ở phía trước với ngôi nhà 11 gian ở phía sau làm thành một khung vuông bao quanh kiến trúc chùa.