chuavn.d.webcom.vn

Thư viện số về văn hóa Phật giáo

Chùa Sùng Phúc


Vị trí: làng Huyền Ru, xã Thanh Nhật, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng

Chùa Sùng Phúc là một ngôi cổ tự, được xây dựng từ thời vua Trần Nhân Tông (1278 - 1293). Nguyên ban đầu chùa được dựng trên núi Pò Kiền và có tên là Trùng Khánh, đến thời Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786) chùa mới được dời đến vị trí hiện nay. Tương truyền vào năm Vĩnh Tộ 1 thời vua Lê Thần Tông (1619), một quả chuông lớn của chùa bị rơi xuống đầm nước phía dưới chùa nên từ đó về sau đầm này được gọi là đầm “chuông”.

Năm Cảnh Hưng 43, chùa được trùng tu và đổi tên thành Sùng Phúc tự. Tại đây, ngoài việc thờ Quan Âm bồ tát còn phối thờ Thiên Vương đại thần tức Hoàng Nghệ ở châu Tư Lang (Hạ Lang), người đã tham gia chống quân Nguyên Mông lần thứ ba, bảo vệ ba tổng Lệnh Cầm, Vĩnh Thọ, Phong Đằng; Thành hoàng Nguyễn Thành Vương (tức Nguyễn Đình Bá, quê thôn Bình Dân, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, là tri châu Tư Lang, sau làm Đốc đống ở Cao Bằng; vi đồ Nguyễn thị Duệ (vi: hàn vi; đồ: thầy dạy học), người đã cải nam trang đi học và đổ tiến sĩ năm 20 tuổi thời Mạc Kính Cung, sau này khi dẹp yên nhà Mạc, vua Lê Thần Tông đã trọng dụng đón về Thăng Long năm Tân  Mùi (1631).

Trong thời vua Lê Hiển Tông, vào năm Sửu triều đình đã ban sắc phong cho khu liên phụng tự này và về sau ba triều vua nhà Nguyễn là Duy Tân, Đồng Khánh, Khải Định cũng đều có sắc phong. Hiện nơi đây còn một tấm bia đá có nội dung bằng chữ Hán, khắc năm Cảnh Hưng thứ 43 ngày mùng một tháng Tư, ghi lại lịch sử và việc trùng tu chùa, truyền thống bảo vệ tổ quốc cùng sự linh hiển chở che của vị thần bảo hộ đã đem lại cuộc sống ấm no thái bình cho nhân dân…

Ngày 15,16 tháng giêng hàng năm nhân dân trong vùng kéo nhau đến đây để trẩy hội xuân với các trò chơi dân gian vui nhộn độc đáo. Chùa đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá.