chuavn.d.webcom.vn

Thư viện số về văn hóa Phật giáo

Chùa Thiên Mụ


Vị trí: Nằm trên đồi Hà Khê, xã Hương Long, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế

Chùa nằm trên đất Hà Khê, bên tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km. Đây là ngôi chùa cổ nhất của xứ Huế.

Tên Thiên Mụ (có nghĩa “Bà già người Trời") gắn liền với một truyền thuyết: Khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, có mời bà gtà tóc bạc phơ, áo đỏ quần xanh, ngồi trên đỉnh đồi nói rằng: "Sẽ có một vị chân chúa dựng chùa Phật ở đây, để tụ khí thiêng sông núi, làm cho mạch nước lâu bền". Chúa Nguyễn Hoàng cả mừng, đã dựng chùa ở đây năm 1601, gọi là chùa Thiên Mụ.

Nhưng sách Ô châu cận lục của Dương Văn An, ở thế kỷ XVI, đã nhắc đến chùa Thiên Mụ. Như vậy, có thể Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng lại một ngôi chùa đã có từ trước. Năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần lại trùng tu chùa. Năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc một quả chuông có đường kính 1,4m, cao 2,5m. Đây là quả chuông lớn nhất ở Huế, hiện còn lại chùa. Năm 1714, Nguyễn Phúc Chu cho xây dựng một tấm bia cao 2,6m, rộng 1,2m, đặt trên lưng một con rùa bằng cẩm thạch. Chúa còn cho người sang Trung Quốc mua kinh Đại Tạng về cất giữ tại chùa.

Cuối thế kỷ XVIII, chùa bị tàn phá nặng nề. Đến triều Nguyễn, vua Gia Long, năm 1815, và vua Minh Mạng, năm 1831, đã cho sửa sang lại chùa. Năm 1844, vua Thiệu Trị cho xây ngoài cửa Nghi Môn một ngôi tháp bát giác, gọi là tháp Từ Nhân, sau đổi tên thành tháp Phước Duyên.

Trước tháp, vua Thiệu Trị cho xây đình Hương Nguyện. Hai bên có hai nhà bia đặt hai tấm bia khắc năm 1846, ghi lại việc dựng tháp Phước Duyên và đình Hương Nguyện, cùng với các bài thơ của Thiệu Trị. Trận bão lớn năm Giáp Thìn (1904) làm chùa bị hư hai, đỉnh Hương Nguyện cũng đổ sập. Năm 1907, vua Thành Thái cho xây dựng lại, nhưng chùa không còn được to như trước.

Ngày nay, đến thăm chùa Thiên Mụ, sau khi bước lên nhiều bậc thềm, chúng ta đến sân có ngôi tháp Phước Duyên xây gạch, 7 tầng, cao 21.27m, dựng năm 1844. Đình Hương Nguyện đã đổ, chỉ còn dấu vết bộ móng bằng đá xanh. Hai bên có hai nhà tứ giác. đặt hai tấm bia đời Thiệu Trị. Lùi vào phía trong, là hai nhà lục giác, một nhà để bia, một nhà để quả chuông đúc đời chúa Nguyễn Phúc Chu. Qua cửa Nghi Môn, chúng ta đến Đại Hùng bửu điện (điện Phật), điện Di Lặc và điện Quan Âm. Trong điện Phật có nhiều tượng đẹp, đáng chú ý là tượng Phật Câu Lưu Tồn. Phía sau là nhà trai, nhà khách, vườn hoa, và cuối cùng là vườn thông đẹp tĩnh mịch.