Vị trí: Số 32 đường Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Chùa Trấn Quốc là ngôi cổ tự lâu đời nhất của Hà Nội. Ngày nay, chùa ở bên Hồ Tây, thành phố Hà Nội. Chùa lúc mới được xây dựng, vào đời vua Lý Nam Đế (Lý Bôn hay Lý Bí 544-548), có tên là Khai Quốc vá ở trên bãi Yên Hoa, bên sông Hồng. Khoảng niên hiệu Đại Bảo (1440-1442) đời vua Lê Thái Tông, chùa đổi tên là An Quốc. Đến năm 1615, đời Lê Kính Tông, bãi sông bị lở sát vào chùa, nhân dân phường Yên Hoa (sau này là Yên Phụ) mới dời chùa vào đảo Cá Vàng ở Hồ Tây, tức là địa điểm hiện nay. Khi đê Cổ Ngư được đắp, mới có đường nối đê với đảo Cá Vàng. Năm 1639, đời Lê Thánh Tông, chùa được trùng tu lớn. Khoảng niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) đời vua Lê Hy Tông, chùa lại đổi tên là Trấn Quốc. Năm 1842, vua Thiệu Trị nhà Nguyễn tuần du ra Bắc, đổi tên chùa là Trấn Bắc, nhưng nhân dân vẫn quen gọi là Trấn Quốc.
Hiện nay, chùa có ba nếp nhà chính là tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối liền thành hình chữ công. Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Gác chuông ở sau thượng điện bên phải và bên trái. Chùa còn giữ được 14 tấm bia và có nhiều tượng đẹp, nổi bật là tượng Thích Ca nhập niết bàn.
Tháng 4/1962, chùa Trấn Quốc được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.